Thước đo đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên

22-09-2017

Đánh giá nhân viên có thể coi là một trong những khâu quan trọng nhất trong quy trình quản lý nhân viên để có thể xét duyệt sự hoàn thành nhiệm vụ, mức độ phù hợp với công việc, với công ty của một nhân viên theo định kỳ, từ đó đưa ra chế độ thưởng, phạt hợp lý.

Đây là công việc vô cùng cần thiết, không thể thiếu để các nhà quản lý có thể nâng cao hiệu quả làm việc, động viên nhân viên cũng như thúc đẩy kịp thời, giúp nhân viên khắc phục những thiếu sót.

Tuy nhiên, đánh giá nhân viên không phải là điều dễ dàng, do đó, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra những tiêu chí chung, áp dụng cho các cấp bậc nhân viên khác nhau, để có cách đánh giá khách quan nhất.

 

Được áp dụng ở Mỹ từ những năm 1980, đến nay KPI được các nhà quản trị doanh nghiệp áp dụng rộng rãi trên thế giới, nó đang trở thành công cụ quan trọng của bất kỳ một tổ chức/doanh nghiệp nào, bởi nó bao gồm hệ thống các chỉ số đo lường và đánh giá hiệu suất nhân viên thông qua các số liệu, chỉ tiêu định lượng. Chỉ số này sẽ giúp ban lãnh đạo nắm bắt hoạt động kinh doanh đang diễn ra tại doanh nghiệp, hiệu suất làm việc của từng bộ phận, nhân viên. Giống như OKR, KPI là một trong các công cụ được sử dụng để triển khai quản lý theo mục tiêu MBO cho tổ chức.

 

Đánh giá thực hiện công việc theo KPI đem lại hiệu quả to lớn trong việc nâng cao hiệu suất làm việc của từng nhóm, từng cá nhân:

Đối với nhân viên: Thông qua bản đánh giá kết quả thực hiện công việc, họ sẽ nắm bắt được mức độ hoàn thành công việc so với mục tiêu đề ra; Phát hiện ra khiếm khuyết và cải thiện trong quá trình đánh giá thực hiện công việc; Việc trả lương dựa trên trên kết quả (Pay for Performance) đánh giá KPI góp phần khuyến khích và tạo động lực làm việc cho nhân viên.

Đối với quản lý: Quy trình đánh giá công việc sẽ giúp các nhà quản lý có cái nhìn tổng quan về hiệu suất làm việc của nhân viên, từ đó có chế độ lương thưởng phù hợp.

Các chỉ số KPI được  định lượng, đo lường chính xác bằng những con số, có tần suất, sẽ góp phần nâng cao quy trình đánh giá công việc, kết quả công việc của nhân viên sẽ được  đánh giá trực quan và minh bạch hơn.

Hơn nữa, khi xây dựng hệ thống KPI, các nhà quản lý đặc biệt chú ý, đảm bảo mục tiêu, công việc của mỗi nhân viên, phòng ban tuân theo nguyên tắc SMART, bao gồm:

– S – Specific: Mục tiêu cụ thể
– M – Measurable: Mục tiêu đo lường được
– A – Achiveable: Mục tiêu có thể đạt được
– R – Realistics: Mục tiêu thực tế
– T – Timebound: Mục tiêu có thời hạn cụ thể

Nhà quản trị phải làm cho nhân viên tin tưởng vào sự công bằng. Trong đánh giá nhân viên cần phải dân chủ, cho nhân viên được tham dự  trong tiến trình này. Hệ thống đánh giá phải được thực hiện xây dựng một cách kỹ lưỡng, người phụ trách đánh giá phải được huấn luyện toàn diện. Trên cơ sở đánh giá đúng đắn khách quan để thực hiện chính sách lương thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh nhằm khuyến khích, động viên nhân viên, chú ý đào tạo phát triển họ đảm bảo cho doanh nghiệp có được nguồn nhân  lực đáp ứng chiến lược kinh doanh  trong tương lai.

Nguồn: Tổng hợp